Ngành thép năm 2024: Triển vọng phục hồi từ thị trường xuất khẩu

Nhu cầu nhập khẩu được kỳ vọng có thể tiếp tục quán tính duy trì tích cực trong các quý tiếp theo trong bối cảnh chênh lệch giá bán nội địa EU và Mỹ và khu vực châu Á đang ở mức cao.

Trong báo cáo triển vọng ngành Thép mới đây, Công ty Chứng khoán VCBS cho biết, hoạt động sản xuất thép hồi phục mạnh trong giai đoạn giữa năm 2023 làm gia tăng nguồn cung trong bối cảnh các nhà sản xuất có lãi trở lại sau khi giá đầu vào (quặng, than) điều chỉnh giảm hỗ trợ biên lợi nhuận. Bên cạnh đó, sản lượng thủy điện tích cực hơn hỗ trợ cho năng lượng điện cung cấp cho các nhà máy sản xuất

Sản lượng xuất khẩu thép xây dựng cũng cho thấy dấu hiệu hồi phục mạnh kể từ tháng 8/2023 trong bối cảnh Trung Quốc giảm dần cạnh tranh xuất khẩu thép xây dựng vào thời điểm cuối năm.

Theo VCBS, doanh số xuất khẩu tôn mạ mặc dù chưa về mức cao của năm 2021, nhưng cũng đã cho thấy sự phục hồi tốt so với mức đáy của tháng 8/2022. Trong đó, đóng góp rất lớn tới từ lượng thép xuất khẩu tới thị trường EU do nguồn cung ở đây bị ảnh hưởng nặng nề sau động đất của Thổ Nhĩ Kỳ và tình trạng thiếu hụt năng lượng diễn ra.

Nhu cầu thị trường nội địa ghi nhận con số tiêu cực trong 9 tháng năm.2023 và chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng. Trong 9 tháng năm 2023, tiêu thụ thép xây dựng trong nước đạt 5,37 triệu tấn, giảm 18% so với cùng kỳ; thép ống giảm 7% và tôn mạ giảm 4,3%.

Nguyên nhân của đà sụt giảm này do: Thị trường bất động sản trong nước chưa hồi phục do thiếu hụt các dự án xây dựng mới; Giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt như kế hoạch; Cạnh tranh gay gắt đối với các sản phẩm thép Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia này dư thừa nguồn cung

Đánh giá về triển vọng của ngành thép trong năm 2024, VCBS kỳ vọng giá thép Trung Quốc sẽ duy trì mặt bằng giá thấp quanh 3.600 – 4.200 USD/Tấn như hiện nay cho tới ít nhất nửa đầu 2024 do nhu cầu thép chưa hồi phục do thị trường nhà ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu ấm lên với số nhà xây mới liên tục sụt giảm bởi nguồn vốn để phát triển dự án vẫn còn nhiều vướng mắc tại đây; Niềm tin người mua nhà tại Trung Quốc suy yếu và chưa có nhiều động lực để quay trở lại; Các chính sách hỗ trợ cho thị trường bất động sản cần thêm nhiều thời gian để thẩm thấu giúp thị trường hồi phục thực sự.

“Dựa theo chỉ số RMI (chỉ số BĐS Trung Quốc) vốn có tương quan khá sát với biến động giá thép, chúng tôi đánh giá cao khả năng chu kỳ giá thép dò đáy ít nhất sẽ cần 6 tháng tới. Hiện nay RMI đang ở dưới mốc 100 (RMI ở mức 93.44 – thấp ngang khủng hoảng BĐS TQ năm 2014-2015) cho thấy ngành BĐS Trung Quốc vẫn ở giai đoạn rất yếu. Quá trình hồi phục từ đáy thường mất từ 6 tháng tới 1 năm sau những chính sách kích thích của Chính phủ”, VCBS đánh giá.

Trong khi đó, giá thép thanh tại Việt Nam sau đà giảm liên tiếp đã đi ngang ở mốc 13,5 triệu đồng/tấn (thấp nhất) đã hồi phục nhẹ lên mức 14 triệu đồng/Tấn. Tình trạng này đến từ: Áp lực giảm giá theo giá thép thế giới; Nhu cầu tiêu thụ thép trong nước có mức sụt giảm mạnh trong quý III/2023 làm các doanh nghiệp sản xuất phải hạ giá bán để đẩy bán hàng tồn kho; Cạnh tranh với hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt từ Trung Quốc.

VCBS đánh giá, giá thép ở mức 13,5 triệu đồng/Tấn (Giá thép thanh thấp nhất của HPG) đã là mức đáy của thép thanh do ở mức giá này các doanh nghiệp sản xuất thép bằng công nghệ lò điện EAF duy trì mức biên lợi nhuận gộp hòa vốn hoặc lỗ.

Ngoài ra, giá thép thanh trong nước hiện tại đã thấp ngang với giá Trung Quốc nhập khẩu nên tiềm năng giảm giá là không nhiều. Tuy nhiên, chu kỳ giá thép sẽ có biến động tương quan với giá thép Trung Quốc như đã nhận định ở phần trước đó và khó có thể tăng giá mạnh trong thời gian tới.

Giai đoạn vừa qua giá thép có sự hồi phục chủ yếu do những kỳ vọng ngắn hạn từ các gói chính sách của chính phủ Trung Quốc và giá đầu vào tăng cao. VCBS kỳ vọng giá thép thanh duy trì ở mức 14 -15 triệu đồng/Tấn cho đến hết nửa đầu năm 2024 trước khi có những sóng tăng giá sau đó.

Về triển vọng của thị trường xuất khẩu, Công ty Chứng khoán này cũng đánh giá, nhu cầu thị trường xuất khẩu tiếp tục tích cực trong năm 2024. Cụ thể, theo dự báo của Hiệp hội Thép thế giới (WSA), nhu cầu tiêu thụ thép toàn thế giới sẽ tăng trưởng 1,9% trong năm 2024. Trong đó, sự hồi phục đáng kể ở đa phần các quốc gia như châu Âu, châu Á, Mỹ…. Quốc gia chiếm trọng số lớn nhất và thiếu động lực tăng trưởng trong 2024 là Trung Quốc với dự phóng tăng trưởng tiêu thụ thép chỉ ở mức 0%.

VCBS cho rằng giả định tăng trưởng này sẽ hợp lý trong bối cảnh nền tảng lãi suất của các quốc gia lớn như châu Âu, Mỹ giảm xuống trong nửa cuối năm 2024 và không có trường hợp suy thoái kinh tế. Nhu cầu nhập khẩu thép tại các quốc gia chủ lực như Mỹ, EU có tốc độ hồi phục tốt trong 9 tháng năm 2023 tính từ đáy quý IV/2022. Nhu cầu nhập khẩu được kỳ vọng có thể tiếp tục quán tính duy trì tích cực trong các quý tiếp theo trong bối cảnh chênh lệch giá bán nội địa EU và Mỹ và khu vực châu Á đang ở mức cao.

Bên cạnh đó, đầu tư công tạo ra nhu cầu đối với thép. VCBS kỳ vọng năm 2024, đầu tư công sẽ bứt phá bởi giải ngân cho các dự án tồn đọng từ 2023 chuyển sang, và gói kích thích kinh tế bổ sung của Chính phủ. Tuy nhiên, đơn vị này cũng lưu ý, tỷ trọng của thép trong đầu tư công là không nhiều, bởi vậy đóng góp chưa thực sự đáng kể.

Ngoài ra, ngành bất động sản nội địa dần phục hồi là bệ đỡ cho nhu cầu ngành vào 2024. Theo đó, thị trường xây dựng bất động sản (chiếm 60% nhu cầu thép) đang dần được tháo gỡ khó khăn nhờ những chính sách sửa đổi.

Số dự án đang triển khai cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt tại miền Bắc và có sự phục hồi tại khu vực miền Nam. Điều này giúp cho nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng có thể hồi phục trong các quý tới. Điểm tiêu cực đến từ việc số dự án được cấp phép mới ngày càng suy giảm và ở mức rất thấp.

VCBS ước tính, tổng sản lượng tiêu thụ thép xây dựng trong năm 2023 sẽ giảm khoảng 15% trước khi hồi phục 11% vào năm 2024. Động lực thúc đẩy tăng trưởng phần lớn tới từ sự hồi phục của thị trường xây dựng dân dụng.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *